Cơ sở lý luận của dự thảo này cho rằng việc công nhận
bằng đại học
tại chức và chính quy có giá trị ngang nhau là để hòa nhập với xu thế
chung của thế giới, đồng thời để bảo vệ những người có bằng tại chức
trước những thiệt thòi, kỳ thị không đáng có.
Một ví dụ. Ngày 15/9/2017, UBND tỉnh Quảng Ngãi ban hành Quyết định
số 61/2017/QĐ-UBND về tiêu chuẩn chức danh trưởng phòng, trưởng phó
phòng, với hiệu lực thi hành từ ngày 1/10/2017. Trong quyết định này có
các câu: “Trưởng, phó phòng và tương đương thuộc sở ban ngành, sinh từ
năm 1965 đến 1975 tốt nghiệp đại học hệ chính quy. Trường hợp tốt nghiệp
đại học không chính quy thì phải có quá trình công tác và năng lực thực
tiễn vượt trội. […]. Các trường hợp sinh từ sau năm 1975 trở đi phải
tốt nghiệp đại học chính quy”. Suy ra, những người sinh sau năm 1975 mà
không có bằng đại học chính quy thì không thể làm chức danh trưởng
phòng, phó phòng.
Tranh minh họa. Nguồn: Internet
Quyết định này của tỉnh Quảng Ngãi đã gặp nhiều tranh cãi, dù ủng
hộ nhiều hơn phản đối. Nếu dự thảo Luật Giáo dục đại học (sửa đổi) được
thông qua, thì quyết định vừa nêu có khi hết hiệu lực.
Thế nhưng, nếu nhìn từ phía cơ quan tuyển dụng, quyền được đề ra
các tiêu chí và sự tuyển lựa là hết sức bình thường. Giả dụ các loại
bằng đều có giá trị như nhau, thì việc tuyển lựa nhân sự phù hợp cho
công việc vẫn phải diễn ra, sẽ có người bị loại, ấy là điều bình thường,
không thể nói là kỳ thị được. Nhu cầu nhận người thường ít hơn nhu cầu
xin việc, đó là thực tế, nên dù cầm bằng chính quy hoặc tại chức, việc
chứng minh năng lực thực sự vẫn quan trọng hơn.
Trả lời báo Lao động, TS Lê Viết Khuyến (nguyên Vụ phó Vụ Giáo dục
& Đại học) cho rằng tranh luận bằng chính quy bằng tại chức là có cơ
sở. “Ở nước ta lâu nay, chương trình đào tạo giữa chính quy và
tại chức
có sự khác nhau. Hệ chính quy đầu vào cao, học nghiêm túc hơn. Hệ vừa
học vừa làm chương trình học bị cắt xén, đánh giá lỏng lẻo hơn. Tôi
nghĩ, khi chất lượng không như nhau, chưa thể cấp một loại văn bằng” -
ông Khuyến nói.
Tỉnh Quảng Ngãi hoặc các cơ quan tuyển dụng đương nhiên biết sự
chênh lệch này, nên họ phải tìm cách chọn người tối ưu hơn về đơn vị
cũng là điều dễ hiểu. Tuy nhiên, có vẻ như cách làm của tỉnh Quảng Ngãi
là hơi rốt ráo, nên mới gặp những phản ứng như vậy.
Giả dụ chất lượng đào tạo tại chức ngang
bằng chính quy,
thì việc tách bạch hai loại bằng cũng rất quan trọng, chúng có giá trị
về tính chính danh, học gì ghi nấy thôi. Tính chính danh cũng giúp cho
việc quản lý hồ sơ, nghiên cứu tiểu sử, lịch sử… về lâu dài sẽ thuận
tiện hơn. Vài trăm năm sau chẳng hạn, khi nghiên cứu về một nhà bác học
vĩ đại chẳng hạn, việc người này học chính quy hoặc học tại chức cũng là
một điểm nhấn đáng quan tâm.