Bộ Giáo dục chính thức giải đáp thắc mắc về dự án mô hình trường học mới (VNEN)
Bộ Giáo dục chính thức giải đáp thắc mắc về dự án mô hình trường học mới (VNEN)
(GDVN) - “Kinh nghiệm dự án sẽ tiếp tục phát huy tác dụng khi
có chương trình mới, đó là viết bộ SGK bên cạnh các bộ SGK khác, có
nghĩa là mô hình có tính bền vững”.
LTS: Mô hình trường học mới đang trong giai đoạn cuối của
dự án, bất cập bắt đầu nảy sinh khi một số trường tiểu học triển khai
thí điểm cho rằng mô hình này chưa phù hợp với Việt Nam.
Nhiều vấn đề cụ thể đã được nêu như trường không có tiền
nhưng vẫn phải triển khai, rằng các trường “bị ép” triển khai, thiếu
sách để học, học sinh nói chuyện nhiều hơn là học…
Tính khả thi của dự án liệu có liên quan gì tới việc đổi
mới chương trình và sách giáo khoa mới, và liệu rằng kết thúc dự án (hết
tháng 5/2016) thì có tiếp tục được triển khai nữa hay không?
Xung quanh vấn đề này, Báo điện tử Giáo dục Việt Nam có
cuộc trao đổi chính thức với ông Phạm Ngọc Định, Vụ trưởng Vụ Giáo dục
Tiểu học (Bộ GD&ĐT).
Phóng viên: Hiện đang là giai đoạn cuối của Dự án
mô hình trường học mới (gọi tắt là VNEN), mô hình này trong thời gian
qua đã triển khai trên cả nước, chủ yếu thay đổi về phương pháp dạy học,
phương pháp này được áp dụng từ mô hình nước Colombia, ông có thể cho
biết mô hình trường học mới tại Việt Nam có phải áp dụng mô hình giáo
dục của Colombia hay không?
Ông Phạm Ngọc Định: Mô hình trường học mới được Ngân
hàng thế giới và UNESSCO hỗ trợ để các chuyên gia giáo dục hàng đầu thế
giới thiết kế cho các nước đang phát triển và được triển khai thành công
đầu tiên ở Colombia.
Hiện nay đã được nhiều nước đang phát triển khác áp dụng. Mô hình này
đã giành được một số giải thưởng quốc tế và được Ngân hàng thế giới cũng
như UNESCO đánh giá là một trong ít mô hình phù hợp nhất với điều kiện
giáo dục của các nước đang phát triển.
Chính vì vậy Ngân hàng thế giới đã giới thiệu và hỗ trợ Việt Nam tham
quan mô hình tại Colombia và đề xuất Tổ chức Quỹ Hỗ trợ giáo dục toàn
cầu (quỹ huy động từ nhiều nước phát triển khác nhau) tài trợ cho Việt
Nam nghiên cứu, vận dụng.
Khi nghiên cứu Bộ GD&ĐT thấy điều kiện làm giáo dục của Colombia có
nhiều điểm tương đồng với Việt Nam, nhất là những khó khăn về chất
lượng giáo viên, cơ sở vật chất nhà trường; Colombia đã khắc phục những
khó khăn đó một cách thành công thông qua mô hình trường học mới.
Chúng tôi thấy họ có nhiều cách làm hay, có những điều Việt Nam đã làm,
có những điều Việt Nam nói đến nhiều mà chưa làm được, chẳng hạn khi họ
triển khai Mô hình bắt đầu từ những vùng khó khăn, miền núi thành công
rồi mới mở rộng ra vùng thuận lợi trên tinh thần tự nguyện với những gì
nhìn tận mắt tai nghe.
Mô hình giáo dục này gắn liền với đời sống, làm cho học sinh hiểu biết
và yêu mến, muốn đóng góp xây dựng quê hương của chính các em. Ở các địa
phương Colombia nhờ áp dụng mô hình này mà họ đã chặn được làn sóng ai
cũng muốn về thành phố rồi không có việc làm.
Đặc biệt mô hình của họ luôn hướng vào hình thành các năng lực và phẩm
chất của người công dân đất nước họ và năng lực công dân toàn cầu.
Tìm hiểu sâu về mô hình, thấy rằng họ cũng vận dụng các thành tựu chung
về giáo dục của nhân loại vào mô hình và đưa ra cách làm thực tiễn hiệu
quả phù hợp với đất nước họ.
Quan điểm về Mô hình trường học mới Việt Nam nghiên cứu lựa chọn cách
làm hay để vận dụng vào hoàn cảnh của Việt Nam, đồng thời kế thừa những
gì Việt Nam đã có để xây dựng Mô hình phù hợp với thực tiễn Việt Nam.

Ông Phạm Ngọc Định - Vụ trưởng Vụ Giáo dục Tiểu học. Ảnh Xuân Trung
Ông Phạm Ngọc Định: Mô hình trường học mới Việt Nam
dựa vào cơ sở khoa học các môn học, đặc biệt là thành tựu khoa học giáo
dục: Ngoài nghiên cứu mô hình của Colombia, mô hình trường học mới tại
Việt Nam cũng dựa vào những thành tựu khoa học giáo dục tiên tiến của
thế giới, dựa trên quy luật nhận thức và những thành tựu tiên tiến của
khoa học giáo dục, được thiết kế thành các bước chung cho các nội dung
học tập và hoạt động giáo dục.
Khi áp dụng vào Việt Nam thì cơ sở khoa học của Mô hình trường học mới tại Việt Nam là gì?
Thuyết kiến tạo: Mỗi cá nhân học sinh phải tự hoạt động làm ra sản phẩm
học tập cho chính mình bằng cách vận dụng kiến thức đã có để giải quyết
tình huống mới nảy sinh và sắp xếp kiến thức mới nhận được vào cấu trúc
các kiến thức hiện có của mình, lúc đó kiến thức mới của học sinh được
gia tăng, đồng thời có giá trị ứng dụng thực tiễn.
Thuyết tâm lý học phát triển của Piaget và lý luận về “vùng phát triển
gần nhất” của Vưgotsky. Trong “bản đồ” phát triển nhận thức của trẻ luôn
có hai mức độ, đó là trình độ hiện tại và vùng phát triển gần nhất.
Trình độ hiện tại là các chức năng tâm lý đã đạt tới độ chín muồi, còn ở
vùng phát triển gần nhất, chức năng tâm lý đang phát triển nhưng chưa
chín muồi. Quá trình dạy học phải giúp cho học sinh đạt tới sự chín muồi
của vùng phát triển gần nhất và luôn đứng trước vùng phát triển gần
nhất mới hình thành.
Trong quá trình đó học sinh cần có sự cố gắng của bản thân đồng thời
với sự hợp tác, giúp đỡ từ bên ngoài, mà nếu tự mình thì không thể thực
hiện được. Theo đó, Mô hình trường học mới tổ chức cho học sinh học cá
nhân, học nhóm, đổi mới đánh giá để có hỗ trợ của bạn, của thầy cô, cha
mẹ... để học sinh hoàn thành tốt nhiệm vụ học tập.
Thuyết hoạt động của các nhà tâm lý học Nga, khởi đầu là Vưgotsky, Việt
Nam GS. Hồ Ngọc Đại cũng đã áp dụng lý thuyết này ở Trường thực Nghiệm.
Vận dụng Thuyết hoạt động, Trường học mới áp dụng Phương pháp dạy học
không phải là thầy giảng giải mà là thầy tổ chức cho học sinh hoạt
động.
Thầy đưa khái niệm trong đầu thầy ra ngoài trên các hình thái vật chất
(tài liệu Hướng dẫn học, thiết bị...), tổ chức cho học sinh hoạt động
trên các hình thái vật chất của khái niệm, bằng những hoạt động của bản
thân, học sinh lĩnh hội khái niệm trên hình thái vật chất và chuyển vào
trong đầu.
Vận dụng thuyết hoạt động để tạo cơ chế cho học sinh được chủ động hoạt
động đó chính Hội đồng tự quản. Hội đồng tự quản có nội hàm phong phú,
khác nhiều so với cách hiểu trước đây.
Thuyết đa trí tuệ của Howard Gardner (năm 1985), người ta ai cũng thông
minh nhưng mỗi người có một hay vài thiên hướng thông minh nổi trội,
ông chỉ ra 8 loại thông minh thường gặp là: thông minh về không
gian/hình ảnh, thông minh về lời nói/ngôn ngữ, thông minh về toán/lôgic,
thông minh về âm nhạc/nhịp điệu, thông minh về vận động/thể chất, thông
minh về tự nhiên, thông minh về năng lực tương tác, thông minh về nội
tâm. Trường học mới sẽ tổ chức, tạo cơ hội để phát huy tối đa khả năng
thiên hướng trí tuệ của từng học sinh.
Theo giáo dục học hiện đại, phương pháp dạy học luôn là sự phản ánh
phương pháp nhận thức khoa học nhưng có sự gia công của nhà giáo dục.
Vai trò của nhà giáo dục là đảm bảo hoạt động nhận thức của học sinh
phải theo đúng quy luật chung (để hiệu quả về kết quả lĩnh hội tri thức
và để hình thành năng lực tự học).
Mô hình trường học đã thiết kế các bài học (trong sách hướng dẫn học)
theo đúng các bước trong quy trình nhận thức khoa học với sự gia công sư
phạm để dễ học, dễ vận dụng kiến thức.
Thưa ông, vì sao Dự án chỉ áp dụng thí điểm đối với vùng sâu, vùng xa mà thiếu vắng ở khu vực đồng bằng, đô thị?
Ông Phạm Ngọc Định: Lúc đầu khi thiết kế dự án, các
nhà tài trợ chỉ cho phép các trường tham gia dự án đối với vùng sâu vùng
xa, với lý do nếu các trường khó khăn mà làm được thì các trường thuận
lợi sẽ triển khai áp dụng mô hình dễ dàng.
Tuy nhiên để thuận lợi cho việc triển khai trong tương lai, Bộ Giáo dục
và Đào tạo đã đề nghị và được đồng ý cho mỗi tỉnh thuận lợi 1 trường
tiểu học tham gia dự án và các tỉnh trung bình mỗi huyện có 1 đến 3
trường tiểu học tham gia làm hạt giống. Chính nhờ các trường này mà
nhiều trường khác ở các địa phương đã và đang tự nguyện nhân rộng mô
hình dự án.
Như vậy Dự án có các trường tiểu học của 63 tỉnh thành tham gia dự án,
cụ thể, tổng số trường tham gia Dự án VNEN: 1.447 trường, trong
đó:
Nhóm 1: gồm 20 tỉnh vùng núi khó khăn: 1.143 trường; Nhóm 2: gồm 21 tỉnh trung bình: 282 trường; Nhóm 3: gồm 22 tỉnh thuận lợi: 22 trường. Tổng số điểm lẻ: 1.848 điểm.
Vậy trước khi trường tiểu học tham gia dự án VNEN, có cần hỏi ý kiến phụ huynh học sinh không?
Ông Phạm Ngọc Định: Nguyên tắc trường tiểu học tham
gia dự án là tự nguyện. Để trường tiểu học tự nguyện đăng ký tham gia Mô
hình trường học mới, được chỉ đạo làm hai việc:
Đánh giá và lập danh sách trường tiểu học mỗi tỉnh (thành phố) được xác định dựa trên cơ sở xếp hạng đầy đủ các tiêu chí:
i) Học sinh thuộc hộ nghèo,
ii) Học sinh dân tộc thiểu số,
iii) thuộc vùng sâu, vùng xa,
iv) Kết quả học tập trung bình hoặc kém; trường tiểu học loại trung
bình về quy mô (số lớp, số học sinh, số giáo viên) và cơ sở vật chất
(không quá khó khăn và cũng không quá khang trang); giáo viên đạt chuẩn
đào tạo, cán bộ quản lý có tinh thần đổi mới; chính quyền địa phương và
cộng đồng quan tâm tới nhà trường.
Hiệu trưởng tổ chức để tập thể giáo viên, cán bộ nhà trường, chính
quyền, cha mẹ học sinh thảo luận bàn bạc để cùng thống nhất tham gia Mô
hình trường học mới.
Mô hình trường học mới này có kết nối như thế nào với chương trình,
sách giáo khoa mới? Kết thúc dự án, mô hình dạy và học này có được tiếp
tục triển khai hay chỉ tổng kết rồi dừng lại?
Ông Phạm Ngọc Định: Với điều kiện thực tiễn hiện tại,
dự án tập trung vào đổi mới cách dạy, đổi mới cách học, đổi mới cách
đánh giá, đổi mới cách thức tổ chức lớp học (dưới sự hướng dẫn của giáo
viên, học sinh hoạt động, sinh hoạt theo nguyên tắc tự quản), đổi mới sự
tham gia của cộng đồng, cha mẹ vào giáo dục.
Nghĩa là dự án chỉ thiết kế và tổ chức các hoạt động giáo dục nhằm đạt
mục tiêu chương trình một cách tốt nhất, hiệu quả nhất; chưa phải là đưa
ra một chương trình mới.
Chính vì vậy, hiện nay nhiều trường dù chưa dạy học theo phương pháp dự
án, không có sách giáo khoa dự án, đã triển khai áp dụng được mô hình
tự quản của học sinh, cách thức mà cộng đồng và gia đình áp dụng để tham
gia giáo dục có hiệu quả cùng nhà trường.
Khi có Chương trình giáo dục phổ thông mới (dự kiến là bắt đầu triển
khai từ năm 2018) thì các kinh nghiệm của dự án sẽ tiếp tục phát huy tác
dụng, một trong những tác dụng đó là viết 1 bộ sách giáo khoa bên cạnh
các bộ sách giáo khoa khác để các trường lựa chọn theo chủ trương “một
chương trình nhiều sách giáo khoa”. Như vậy có nghĩa là mô hình có tính
bền vững, không dừng lại khi dự án kết thúc.
Xin nói thêm: Dự án bắt đầu thực hiện chính thức năm học 2012-2013, đối
tượng hưởng thụ chỉ có 1.447 trường tiểu học. Đến năm học 2015-2016
ngoài 1.447 trường của dự án có thêm 2.365 trường tiểu học của 54 tỉnh
tự nguyện tham gia áp dụng mô hình mà không cần tiền tài trợ của dự án